Ngày 29/5/2019, Cục Y tế dự phòng phối hợp với Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức tổ chức buổi tổng kết bế giảng và trao chứng chỉ cho các học viên hoàn thành khóa đầu tiên của Chương trình đào tạo Dịch tễ học thực địa (FETP) ngắn hạn mới.
Tham dự tổng kết bế giảng có ThS. Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TS.Mathew Moore – Giám đốc dự án An ninh y tế toàn cầu (GHS), US-CDC tại Việt Nam, TS. Đỗ Thị Hồng Hiên – chuyên gia của WHO, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển – Nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cùng đại diện các giảng viên, hướng dẫn viên thực địa và tất cả các học viên của khóa đào tạo.
Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt gồm 3 loại hình đào tạo là dài hạn 2 năm, ngắn hạn 3 tuần và 3 tháng (phối hợp y tế và thú y). Để nâng cao hiệu quả đào tạo đối với loại hình đào tạo ngắn hạn 3 tuần, trong năm 2018, Cục Y tế dự phòng được WHO hỗ trợ thực hiện đánh giá nhu cầu đào tạo của cán bộ y tế dự phòng tại tất cả các tỉnh, thành phố. Sau đó Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với các chuyên gia dịch tễ của các Viện VSDT/Pasteur, trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, WHO và US-CDC rà soát, bổ sung, chỉnh sửa Chương trình đào tạo FETP ngắn hạn dựa trên kết quả đánh giá và tham khảo chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa ngắn hạn của US-CDC (FETP-Frontline) đã được áp dụng tại trên 40 quốc gia.
Theo đó, chương trình ngắn hạn mới được tổ chức trong 12 tuần (bao gồm 2 đợt tập trung học lý thuyết, xen kẽ 2 đợt thực địa và 01 đợt tập trung báo cáo kết quả thực hành trên thực địa). Chương trình học mới nhấn mạnh hoạt động thực hành tại địa phương với thời lượng thực hiện bài tập thực địa lên tới 9 tuần giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành của học viên về các phương pháp giám sát y tế công cộng và điều tra vụ dịch/vấn đề y tế công cộng, bao gồm thu thập, quản lý, phân tích, phiên giải, trình bày và phổ biến số liệu, từ đó đề xuất các giải pháp can thiệp nhằm đáp ứng kịp thời với dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng.
Với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên, chuyên gia dịch tễ học tại 4 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng và Đại học Y Dược Tp.HCM, và dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật bởi các hướng dẫn viên là những cán bộ có kinh nghiệm tại các Viện khu vực, chủ yếu là cựu học viên FETP dài hạn 2 năm, trong 12 tuần, 16 học viên đến từ 4 viện khu vực và 12 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng các tỉnh Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Kon Tum, Đà Nẵng, Quảng Nam, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp đã hoàn thành khóa học và tham gia vào việc đánh giá và cải thiện chất lượng số liệu giám sát, điều tra dịch và phân tích, báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương. Qua 2 đợt thực địa, học viên đã tiến hành điều tra và đánh giá chất lượng số liệu giám sát tại 54 cơ sở y tế bao gồm các bệnh viện từ tuyến trung ương tới địa phương, bệnh viện tư nhân và trạm y tế xã. Dựa trên kết quả đánh giá chất lượng số liệu này, học viên đã phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng số liệu giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương. Có 8 ổ dịch sởi, 7 ổ dịch sốt xuất huyết và 1 ổ dịch thủy đậu đã được điều tra. Các học viên cũng đã viết báo cáo dịch tễ học về các bệnh truyền nhiễm ưu tiên tại địa phương như sởi, sốt xuất huyết và tay-chân-miệng.
Khóa thử nghiệm đầu tiên này còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật của chuyên gia US-CDC Richard Dicker đến từ Atlanta, Hoa Kỳ.
Cuối khóa học, các học viên đều đánh giá rất cao nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy tích cực kết hợp giảng lý thuyết với thực hành trên lớp và tại thực địa. Các học viên đã tốt nghiệp sẽ tiếp tục áp dụng kỹ năng học được trong công việc, đồng thời có thể trở thành hướng dẫn viên thực địa cho các khóa học tiếp theo. Học viên cũng mong muốn có thêm những khóa tập huấn như vậy được tổ chức dành cho không chỉ cán bộ dự phòng tuyển tỉnh mà còn mở rộng cho tuyến huyện, giúp nâng cao năng lực cho tuyến dưới và tăng cường hiệu quả công tác giám sát, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi tổng kết bế giảng khóa học, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn đã đánh giá cao kết quả hoạt động đào tạo FETP, nhấn mạnh vai trò đào tạo nhằm nâng cao năng lực giám sát, điều tra và đáp ứng dịch bệnh của cán bộ y tế dự phòng, gắn chặt lý thuyết với thực hành. Phó Cục trưởng Đặng Quang Tấn đề xuất chương trình FETP Việt Nam xem xét hoàn thiện chương trình đào tạo, mở rộng đào tạo trên phạm vi toàn quốc và xuống tuyến y tế cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh của toàn hệ thống.
Trong kế hoạch phát triển các chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa, Văn phòng FETP cũng đang nghiên cứu đưa chương trình đào tạo nâng cao vào triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng ở tất cả các tuyến.
1,465 Lượt xem