Giới thiệu về chương trình

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO DỊCH TỄ HỌC THỰC ĐỊA

Nguồn nhân lực là phần quan trọng nhất của hệ thống y tế, là yếu tố đảm bảo để thực hiện đạt được các thành tựu về y tế của mỗi quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng thì nguồn nhân lực cao là vô cùng cần thiết để có đủ năng lực trong việc giải quyết các vấn đề y tế công cộng cấp bách để hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống y tế dự phòng và năng lực dịch tễ học cho các cán bộ y tế trong việc nâng cao giám sát và đáp ứng về y tế công cộng, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo thông qua thực hành trên cơ sở ứng dụng dịch tễ học thực địa. Mục tiêu ban đầu của các chương trình này là hỗ trợ cho các nhà dịch tễ học phát triển về năng lực dịch tễ học để ứng dụng vào giải quyết các vấn đề sức khoẻ của cộng đồng. Có nhiều mô hình đào tạo dựa vào thực hành như Epidemic Intelligence Service (EIS) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), Chương trình đào tạo Dịch tễ học thực địa (FETP), Chương trình đào tạo Phòng xét nghiệp và Dịch tễ học thực địa (FELTP), Chương trình đào tạo Can thiệp dịch tễ học Châu Âu (EPIET). Các mô hình đào tạo trên được dựa trên cơ sở “học thông qua thực hành” và trong mỗi chương trình được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu về y tế của mỗi nước. Trong thập kỷ 90, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế gới (WHO), US CDC và Tổ chức Merieux, các nhà lãnh đạo của các chương trình đào tạo dựa vào thực hành thành lập mạng lưới các Chương trình đào tạo Dịch tễ học và Can thiệp y tế công cộng (TEPHINET) trên toàn thế giới. TEPHINET là một mạng lưới các chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa được thiết lập với 62 Chương trình FETP thành viên đến từ 88 nước, đây là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm nâng cao năng lực thực hành về dịch tễ học thực địa và y tế công cộng. Để phát triển mạng lưới và xây dựng một đội ngũ chuyên gia đạt chuẩn quốc tế dịch tễ học thực địa, Việt Nam đã xây dựng, phát triển FETP và tham gia là thành viên tích cực của mạng lưới này.

Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa được bắt đầu từ năm 1980 dựa trên sự thành công từ mô hình Epidemic Intelligence Service (EIS) của US CDC. Chương trình FETP tập trung chú trọng việc học thông qua thực hành và đào tạo trong “môi trường thực địa”. Đặc trưng của FETP là việc ứng dụng thực hành các nguyên lý dịch tễ học vào các vấn đề y tế công cộng, cần đến một sự đáp ứng nhanh, nhà dịch tễ học tham gia giải quyết các vấn đề xảy ra trên thực địa và tiến hành điều tra, đánh giá để đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời và giải quyết tốt nhất vấn đề đang xảy ra. Trong khi các chương trình đào tạo dịch tễ học hàn lâm thường chú trọng về nguyên lý dịch tễ thì Chương trình FETP nhấn mạnh đến việc kết hợp đào tạo giữa các mô đun lý thuyết gắn với hoạt động thực địa bằng việc áp dụng các kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề trên thực địa dưới sự hướng dẫn của giám sát viên thực địa và chuyên gia.

Chương trình đào tạo Dịch tễ học thực địa hiện đang triển khai tại đa số các nước thường có 65-70% hoạt động thực địa và 30-35% mô đun lý thuyết, với yêu cầu tối thiểu mỗi học viên cần hoàn thành được 2-4 điều tra vụ dịch, 02 đánh giá giám sát và 01 phân tích tình huống hoặc báo cáo khoa học. Các học viên cũng sẽ phối hợp hỗ trợ nhau trong quá trình học tập như điều tra, đáp ứng bệnh dịch tại cơ sở thực địa để nâng cao kỹ năng phòng chống bệnh dịch và nâng cao kỹ năng làm việc nhóm.

Việc đào tạo dịch tễ học thực địa cần được đặt dưới sự chỉ đạo và tổ chức hoạt động của đơn vị có chức năng trực tiếp chỉ đạo và thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh và y tế công cộng để tổ chức đào tạo hiệu quả nhất thông qua thực hiện giám sát, phát hiện và đáp ứng giải quyết nhanh các vấn đề xảy ra tại thực địa từ đó đề xuất những biện pháp can thiệp để giải quyết kịp thời hoặc cung cấp các bằng chứng cho việc ban hành các chính sách phù hợp nhằm hạn chế và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng.

Việt Nam có 63 tỉnh/thành phố, 713 huyện/thị xã với dân số 90 triệu người, là một nước có khí hậu nhiệt đới, mô hình bệnh tật chủ yếu là các bệnh truyền nhiễm. Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 3 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm, với hàng nghìn trường hợp tử vong. Chủ yếu là các bệnh đường tiêu hoá, hô hấp và bệnh do véc tơ truyền (Sốt xuất huyết, Viêm não v.v.). Những năm gần đây, các bệnh mới nổi như SARS, cúm A (H5N1) xuất hiện, cùng với sự quay trở lại của các bệnh như bệnh lao, sốt rét, sởi, các sự kiện y tế công cộng và nguy xâm nhập của các bệnh mới nổi như MERS CoV, Ebola, Ecoli khiến ngành y tế đứng trước nhiều thách thức trong việc phòng chống và kiểm soát. Bên cạnh đó là xu hướng toàn cầu hóa nên các vấn đề bệnh dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, thảm họa thiên tai có nhiều ảnh hưởng và tác động đến sức khoẻ, đời sống con người và phát triển kinh tế, an sinh xã hội của quốc gia. Xuất phát từ tình hình trên đòi hỏi phải có hệ thống y tế dự phòng mạnh và mạng lưới cán bộ làm công tác y tế dự phòng có kỹ năng tốt cả về lý thuyết và thực hành để tham gia vào giải quyết kịp thời và hiệu quả khi có vấn đề y tế xảy ra. Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về y tế dự phòng còn rất thiếu, đặc biệt tại tuyến tỉnh, tuyến huyện. Năng lực của cán bộ y tế chưa cao và không đồng đều, đặc biệt là các kỹ năng để áp dụng các phương pháp, nguyên lý về dịch tễ học trong việc giải quyết các vấn đề y tế xảy ra trên thực địa. Việc đào tạo cán bộ y tế dự phòng hiện đang gặp một số khó khăn do các cơ sở đào tạo chính quy còn gặp nhiều khó khăn như đội ngũ cán bộ giảng dạy còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, chương trình giảng dạy còn nặng về lý thuyết, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu, việc thực hành trên địa chưa được chú trọng. Thêm vào đó là chế độ đãi ngộ chưa phù hợp nên chưa thu hút được người tham gia học tập và làm việc.

Việc xây dựng và phát triển Chương trình FETP là đáp ứng nhu cầu thực tế trong phòng chống bệnh dịch và giải quyết các vấn đề y tế công cộng của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của WHO, các đối tác và tổ chức quốc tế thông qua các dự án hợp tác, Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo Dịch tễ học thực địa tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015” để đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng nguồn nhân lực nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, giải quyết các vấn đề sức khỏe công cộng và đóng góp có ý nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

 1,407 Lượt xem