Khai mạc khoá đào tạo Dịch tễ học trung hạn IC3 do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống y tế dự phòng và năng lực dịch tễ học cho các cán bộ y tế trong việc nâng cao giám sát và đáp ứng về y tế công cộng, ngày 18/7/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Văn phòng FETP Việt Nam-Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế khai mạc khoá đào tạo Dịch tễ học trung hạn IC3. Tới dự lễ khai mạc có sự tham dự của đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (US-CDC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Văn phòng FETP Việt Nam và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Khai mạc Khoá IC3 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Các giảng viên của khoá học là các chuyên gia dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, US-CDC, Văn phòng FETP Việt Nam, Trường đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng và Viện Pasteur Hồ Chí Minh. Học viên của khoá IC3 bao gồm 13 học viên công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Điện Biên, Quảng Nam, Lai Châu, Ninh Bình, Nghệ An, Đăk Lăk, Khánh Hoà, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn.
Các học viên sẽ học tập trung 7 tuần trên lớp thông qua 5 hội thảo có tính tương tác cao, học và thực hành các phương pháp giám sát y tế công cộng, phát hiện và điều tra dịch bệnh và sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, phương pháp điều tra/nghiên cứu dịch tễ học. Trong khoảng thời gian xen giữa các hội thảo, học viên quay trở lại đơn vị công tác của mình, để áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học vào các bài tập thực địa cụ thể liên quan đến công việc. Điểm thuận lợi cho học viên của chương trình FETP là mỗi học viên sẽ được ít nhất một hướng dẫn viên thực địa có kỹ năng và kinh nghiệm hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình triển khai bài tập thực địa. Hướng dẫn viên thực địa sẽ gắn kết với học viên trong thời gian làm bài tập thực địa và đóng vai trò quan trọng hoàn thành các bài tập thực địa và bổ sung nâng cao năng lực của học viên sau khóa FETP trung hạn. Trong 4 hội thảo vừa qua, các bài tập thực địa tập trung vào điều tra các bệnh dịch nổi trội tại địa phương như Thuỷ Đậu, Chân-Tay-Miệng, Sởi, Sốt xuất huyết, HIV, Sốt rét…các báo cáo đã chỉ ra tình trạng dịch tại địa phương, khả năng ứng phó với dịch bệnh, đưa ra các biện pháp đáp ứng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống dịch trên địa bàn của mỗi tỉnh.
Một số hình ảnh của lớp học.
Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Bạch Hầu tại Hà Giang vừa qua, trước tình hình dịch bệnh phức tạp và có nguy cơ lan rộng tại huyện Mèo Vạc, với sự chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tập thể lớp đã phối hợp với khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang và Trung tâm y tế huyện Mèo Vạc, Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc đã tiến hành điều tra dịch nhằm cung cấp thông tin phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả, hoạt động này được sử dụng như bài tập nhóm của lớp. Kết quả của điều tra đã triển khai đáp ứng 2 mục tiêu: 1) Mô tả đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng của bệnh bạch hầu tại một số xã, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tháng 9 năm 2023 và 2) Mô tả nguy cơ dịch bạch hầu bùng phát và các biện pháp phòng chống dịch bạch hầu đã triển khai tại một số xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tháng 9 năm 2023.
GS.TS. Phan Trọng Lân-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sau cuộc họp chỉ đạo nhóm giảng viên và học viên về điều tra Bạch Hầu tại Mèo Vạc, Hà Giang.
Một số hình ảnh điều tra ca bệnh tại bệnh viện và các ca tiếp xúc tại cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang.
492 Lượt xem